Thời gian gần đây, có khá nhiều
quan điểm, sự việc, đã và đang xảy ra liên quan đến việc thực hiện mua bán nhà
đất bằng cách đề nghị Văn phòng Thừa phát lại lập “Vi bằng” cho các sự kiện,
hành vi giao nhận tiền, giao nhận đất, nhà ...
Vi bằng là gì? Tại sao phải lập
vi bằng?
Theo quy định
pháp luật: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại
trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng,
hay văn bản công chứng, chứng thực được pháp luật thừa nhận như là chứng cứ,
nguồn chứng cứ trong hoạt động xét xử hay các quan hệ pháp lý khác. Khi thực hiện,
nhiều người đánh đồng giữa việc lập vi bằng và việc công chứng, chứng thực văn
bản là một, xem chúng có giá trị chứng cứ như nhau. Tuy nhiên, trong thực tế,
không phải lúc nào lập vi bằng cũng được thừa nhận giá trị pháp lý và không phải
trong mọi trường hợp công chứng, chứng thực cũng đều có giá trị pháp lý.
Thừa phát lại
được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Sự thật theo quy định của pháp
luật là vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản
hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ
việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; Là căn cứ để thực hiện
giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Một trong những
trường hợp không được phép lập vi bằng theo quy định của luật là: “Ghi
nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản
không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp
luật.”