Tại Việt nam, thị trường carbon lần
đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào
năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý
các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Đề án rà soát,
bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động
của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện
cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh
tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng...
Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của
Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và
bảo vệ môi trường đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải
khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công
nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ
carbon trong nước, tham gia thị trường carbon toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon.
Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát
thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ
carbon trong nước, quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế
mà Việt Nam là thành viên. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định các cơ sở phát
thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định,
được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán
trên thị trường carbon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát
thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát
thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua
thị trường carbon trong nước.
Năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của
Chính phủ đã xác định "thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt
Nam" là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ
môi trường. Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định
chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và phát triển thị
trường carbon. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải, hấp thụ khí nhà kính;
tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu,
tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính
được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone.
Theo thống kê, diện tích rừng hiện
nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%. Về tiềm
năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng
hiện nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Với đơn
giá 5 USD/tín chỉ, ngành Lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần
5.000 tỷ đồng. Ngoài nguồn tài nguyên rừng phong phú, Việt Nam còn có khả năng
bán tín chỉ carbon từ lúa, hay các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều,
cà phê, dừa,... nếu được xác lập theo tiêu chí của đối tác. Tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) - bên nhận
ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) đã ký kết thỏa thuận chi
trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Theo đó, Việt Nam
chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh
vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này 51,5
triệu USD. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Châu Á - Thái Bình Dương và là
quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF.
Bên cạnh rừng, ngành nông nghiệp
Việt Nam cũng có tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Đặc biệt
là trong canh tác lúa. Gần đây, một số địa phương đã tiến tới áp dụng mô hình
canh tác lúa giảm phát thải. Mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất, giảm
chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. Điển hình như Đề án 1 triệu hecta
chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy có thể thấy hị trường carbon ở nước ta đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm
2050. Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín
chỉ carbon, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch
phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ
tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.