Khái niệm về Tín chỉ carbon là gì và Thị trường tín chỉ carbon


Thị trường tín chỉ carbon là thị trường trong đó hàng hóa giao dịch được quy đổi ra đơn vị carbon, cụ thể có 2 loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.



If you need advice? Do not hesitate to contact customer service hotline 0914445005 hoặc TƯ VẤN

    Hạn ngạch phát thải là khối lượng khí nhà kính, quy về đơn vị tấn CO2 tương đương mà cơ quan quản lý cho phép một cơ sở/đối tượng/tổ chức được phép phát thải trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu cơ sở đó phát thải quá hạn ngạch được quy định thì sẽ phải mua hạn ngạch của cơ sở khác hoặc tín chỉ các-bon trên thị trường để bù trừ phần vượt quá, hoặc sẽ bị phạt bởi cơ quan quản lý nhà nước.

    Tín chỉ carbon là đại diện cho lượng tấn CO2 tương đương mà một hoạt động có thể tạo ra, dựa trên khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí nhà kính của hoạt động đó (ví dụ: hoạt động trồng rừng, thu hồi khí để phát điện) hoặc dựa trên khả năng giảm phát thải của hoạt động đó so với các hoạt động thông thường khác (ví dụ: năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải so với năng lượng hóa thạch, tiết kiệm năng lượng giúp giảm phát thải so với thực hành không tiết kiệm, v.v)

    Thị trường carbon vận hành dựa trên cung và cầu đối với hai loại hàng hóa kể trên, được phân thành 2 loại:

    Thị trường bắt buộc: là thị trường mà trong đó các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở. Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường. Ví dụ: cơ sở phát thải ít sẽ dư hạn ngạch để bán cho các cơ sở phát thải nhiều bị thiếu hạn ngạch. Tổng phát thải của thị trường sẽ không đổi. Do đó, mục đích chính của thị trường bắt buộc là để kiểm soát phát thải. Hàng hóa chính được giao dịch là hạn ngạch phát thải (nên thị trường carbon bắt buộc được đặc trưng bởi cơ chế giao dịch hạn ngạch phát thải), có thể cho phép sử dụng một lượng nhỏ tín chỉ các-bon (thường 5-10%).

    Thị trường tự nguyện: là thị trường mà trong đó các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, doanh nghiệp cam kết thực hiện net-zero, tuy nhiên do nhu cầu sản xuất kinh doanh họ vẫn phải dùng một lượng nhiên liệu hóa thạch nhất định, họ sẽ mua tín chỉ các-bon trên thị trường để bù trừ cho phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch này. Như vậy, hàng hóa được giao dịch trên thị trường tự nguyện là tín chỉ carbon.

    Đặc biệt, thị trường carbon quốc tế bắt đầu hình thành theo các cơ chế của Nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ năm 2005 trong đó các nước đã phát triển như Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, v.v phải cam kết giảm phát thải và họ có thể sử dụng các công cụ linh hoạt để thực hiện cam kết này, bao gồm 3 cơ chế: cơ chế giao dịch phát thải quốc tế (international emission trading), cơ chế đồng thực hiện (joint implementation) và cơ chế phát triển sạch (clean development mechanism).

    Để đạt được mục tiêu này, các nước, như Châu Âu đã hình thành cơ chế giao dịch phát thải trong nước, hay thị trường các-bon của mình. Hiện nay trên thế giới có khoảng 47 thị trường như vậy. Việt Nam cũng dự kiến thực hiện thí điểm thị trường carbon trong nước từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Thị trường carbon lớn trên thế giới hiện nay có EU, Anh, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Canada và New Zealand.