Thừa kế trong trường hợp có nhiều vợ và Xác định con nuôi.




If you need advice? Do not hesitate to contact customer service hotline 0914445005 hoặc TƯ VẤN

    Thừa kế trong trường hợp có nhiều vợ và Xác định con nuôi.

    1. Thừa kế trong trường hợp có nhiều vợ.

    1.1. Công nhận nhiều vợ.

    Căn cứ theo điểm a Mục 4 Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp lệnh thừa kế 30/08/1990

    4. VỀ NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

    a) Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13-01-1960 - ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 - đối với miền Bắc; trước ngày 25-3-1977 - ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước - đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ.

    1.2. Công nhận 1 vợ duy nhất.

    Án lệ 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế.

    - Tình huống án lệ:

    Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.

    - Giải pháp pháp lý:

    Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.

    2. Xác định con nuôi.

    - Xác định luật áp dụng để giải quyết quan hệ hôn nhân:

    “Luật hôn nhân gia đình  Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

    1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.”

    - Trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HN&GĐ 1986 có hiệu lực):

    Theo đó, điểm a Mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36 và 37 nhưng trước khi Luật này được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định”.

    =>> Như vậy, việc nuôi con nuôi xác lập trước ngày 03/01/1987 thì không cần đăng ký vẫn được pháp luật công nhận.

    Có thể tham khảo thêm Bản án dân sự 44 ngày 21/9/2018 TAND tỉnh Nam Định.

     http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta162908t1cvn/chi-tiet-ban-an

    - Từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật HN&GĐ 2000 có hiệu lực thi hành):

    Theo Điều 37 Luật HN&GĐ 1986 thì: “Việc nhận nuôi con nuôi do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”.

    Như vậy, về nguyên tắc, việc nuôi con nuôi trong thời gian này phải được đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch mới hợp lệ.

    Tuy nhiên cần lưu ý đối với quan hệ nuôi con nuôi đối với công dân thuộc các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa thì căn cứ Điều 17 Nghị định 32/2002/NĐ-CP thì: “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết”.

    - Từ ngày 01/01/2001 trở về sau:

    Theo Điều 72 Luật HN&GĐ 2000 thì: “Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch”. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 1, 2 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 và hướng dẫn tại Điều 23,24,25, 50 Nghị định 19/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP).

    Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện sau thì được đăng ký kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi:

    a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

    b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

    c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

    Sau khi được đăng ký, việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.

    Do đó, khi giải quyết các vụ án (HNGĐ, thừa kế) có phát sinh việc nuôi con nuôi. Cần căn cứ vào các quy định nêu trên để xác định việc nuôi con nuôi có hợp pháp (có đăng ký hoặc nuôi con nuôi thực tế không cần đăng ký).

    Việc xác định con nuôi thực tế có thể dựa trên: ý kiến của những người dân sống lâu năm tại địa phương về thực chất mối quan hệ cha mẹ và con (có nuôi dưỡng, chăm sóc, yêu thương nhau…), ý chí của người nhận nuôi và con nuôi; dựa trên chính sự thừa nhận của các hàng thừa kế; các giấy tờ nhân thân: sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương...