Căn cứ theo Điều 16 và Điều 17 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP
Điều 16. Về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về
quyết định áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản
1 và khoản 2 Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Sau khi nhận được đơn
khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về quyết định áp dụng, thay
đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc về việc Thẩm phán không ra quyết
định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án
chuyển ngay cho Thẩm phán đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị để xem xét.
Đối với trường hợp khiếu
nại, kiến nghị về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn
xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị
quyết này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại,
kiến nghị, Chánh án tự mình xem xét, ra một trong các quyết định tại khoản 3
Điều này.
2. Trong thời hạn 24 giờ,
kể từ thời điểm nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, Thẩm phán phải xem xét và xử lý
như sau:
a) Trường hợp Thẩm phán
nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc
không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng thì
Thẩm phán ra quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời;
hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng
biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án Tòa án;
b) Trường hợp Thẩm phán
nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc
không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ thì
Thẩm phán báo cáo về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án Tòa án xem xét,
quyết định.
3. Trong thời hạn 48 giờ,
kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Thẩm phán, Chánh án Tòa án phải xem xét,
giải quyết khiếu nại, kiến nghị và ra một trong các quyết định sau đây:
a) Không chấp nhận đơn
khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị
không có căn cứ.
b) Chấp nhận đơn khiếu
nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị có căn
cứ. Trường hợp này, Chánh án Tòa án phải quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung
biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng
hoặc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
4. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án theo
hướng dẫn tại khoản 3 điều này là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc
gửi ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố
tụng dân sự.
Điều 17. Về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về
quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng thay đổi, hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa quy định tại khoản 3 Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự
1. Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán ra quyết định áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay
đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát
có kiến nghị nhưng chưa được Chánh án Tòa án xem xét, giải quyết. Tại phiên
tòa, đương sự, Viện kiểm sát có yêu cầu giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó thì
Hội đồng xét xử giải thích cho đương sự biết là theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ Chánh án Tòa án đang
giải quyết vụ án có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó; tại
phiên tòa, họ có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử thay đổi, áp dụng bổ sung biện
pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc
ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định chung của Bộ
luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.
2. Trường hợp đương sự có
khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa thì Hội đồng xét
xử xem xét, thảo luận và thông qua tại phòng xử án.
3. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị
thì không phải ra quyết định bằng văn bản nhưng phải thông báo công khai tại
phiên tòa việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải ghi vào biên bản phiên
tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận khiếu nại, kiến nghị thì phải ra
quyết định bằng văn bản. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định này theo quy định
tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết
định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối
cùng.
Quyết định AD BPKCTT
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử: Căn cứ theo Điều 18 Nghị quyết
02/2020/NQ-HĐTP
Điều 18. Về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn
cấp tạm thời quy định tại Điều 291 của Bộ luật Tố tụng dân
sự
1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa
phúc thẩm nếu có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời thì việc xem xét, giải quyết được thực hiện theo quy
định tại các điều tương ứng của Chương VIII “Các
biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị
quyết này.
2. Trường hợp đương sự
gửi đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm mà trong
đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo
cho đương sự biết là Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại.
Trường hợp đương sự gửi
đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm mà trong đơn
kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện
pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm giải thích
cho đương sự là Tòa án cấp phúc thẩm chưa thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm
nên không xem xét, giải quyết khiếu nại yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ
biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm. Sau khi Tòa án cấp phúc
thẩm thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết
khi đương sự có yêu cầu.
Trong bản án: Căn cứ theo Điều 19 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP
Điều 19. Việc tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong
bản án của Tòa án
1. Tòa án áp dụng, thay
đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên
tòa bằng một quyết định riêng và tuyên trong bản án. Việc tuyên trong bản án
theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn
cấp tạm thời đang được áp dụng thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau:
“Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số.... Ngày....
của Tòa án nhân dân.... về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời....”. Phần tuyên
về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án không bị kháng cáo, kháng nghị.
Việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Chương VIII của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ví dụ: Trước khi mở phiên
tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra Quyết định số
02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp để bảo đảm thi hành án trong
vụ án X. Tại phiên tòa giải quyết vụ án X, Hội đồng xét xử xét thấy không có
căn cứ để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì Hội đồng xét xử tuyên
trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết
định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A về áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp”.
3. Trường hợp nội dung
của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản
án của Tòa án thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Kể từ ngày bản
án này có hiệu lực pháp luật thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
số... ngày... của Tòa án nhân dân... trong quá trình giải quyết vụ án bị hủy
bỏ”.
Ví dụ: Trước khi mở phiên
tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo
dục. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án về việc giao con cho mẹ trông
nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Trường hợp này, nội dung của quyết định áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án. Do
đó, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc giao con cho cha
trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày bản án đó của
Tòa án có hiệu lực pháp luật.