Quy định chung: Căn cứ theo Điều 8 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP (đã hết hiệu
lực từ 01/07/2016)
1. Về nguyên tắc chung thẩm quyền giải quyết vụ án dân
sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1
Điều 35 của BLTTDS.
2. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn
bản thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên
đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ
chức giải quyết. Việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều
33 và Điều 34 của BLTTDS.
Ví dụ: Trong vụ án,
nguyên đơn A cư trú tại huyện M của tỉnh N và bị đơn B cư trú tại huyện X của
tỉnh Y. Theo nguyên tắc Tòa án huyện X tỉnh Y nơi bị đơn B cư trú có thẩm
quyền. Nếu các bên thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn A cư trú thì phải bảo đảm
thẩm quyền của cấp Tòa án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thì thỏa
thuận chỉ được chấp nhận khi các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện M của tỉnh N
giải quyết. Nếu các đương sự thỏa thuận Tòa án tỉnh N giải quyết thì thỏa thuận
đó không được chấp nhận.
3. Đối với tranh chấp về bất động sản quy định
tại điểm c khoản 1 Điều 35 của BLTTDS thì chỉ có Tòa án nơi có bất
động sản mới có thẩm quyền giải quyết.
4. Trong vụ án về hôn
nhân và gia đình, thừa kế tài sản,... mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm
quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b
khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.
5. Việc xác định nơi cư trú, làm việc, nơi có trụ sở
quy định tại Điều 35 của
BLTTDS được xác định tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án
giải quyết vụ việc dân sự.
Quy định riêng. Xác định thẩm quyền của Tòa án theo
lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn: Theo Công văn 212/TANDTC-PC 2019:
4. Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng A với Công ty B
được giao kết và thực hiện giải ngân tiền vay tại chi nhánh M của Ngân hàng.
Khi ký kết hợp đồng, các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở
của nguyên đơn giải quyết tranh chấp. Đến hạn trả nợ, Công ty B không trả được
nợ nên Ngân hàng A đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty
B tại Tòa án nơi có chi nhánh M của Ngân hàng. Trường hợp này, Tòa án nơi có
chi nhánh của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không?
Về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân
sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố
tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp thuộc một trong các trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này thì nguyên đơn có quyền lựa chọn
Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trường hợp này, do các đương sự không có thỏa thuận
lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín
dụng nên không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2015 thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm
việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về
dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các
Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm
2015 quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ
hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện
giải quyết”. Căn cứ các quy định
nêu trên, Tòa án nơi bị đơn có trụ sở và Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện đều
có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trường hợp
nguyên đơn lựa chọn Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết tranh chấp
thì tôn trọng và thực hiện theo quyền định đoạt của nguyên đơn. Hợp đồng tín dụng này
có hoạt động giải ngân tiền vay tại chi nhánh M của Ngân hàng nên nơi có chi
nhánh M của Ngân hàng được xác định là nơi thực hiện hợp đồng. Do vậy, Tòa án
nơi có chi nhánh M của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp
nêu trên.
Tranh chấp có đối tượng là BĐS: Công
văn 212/TANDTC-PC 2019
“7. Trường hợp vụ án
tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn
và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải
quyết?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp
chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tòa
án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có
trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ
thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại,
lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng
đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và
gia đình theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên căn cứ các quy
định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.”
Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa
chọn của Nguyên đơn.
Căn
cứ theo Điều 9 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực từ 01/07/2016)
1. Khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án
giải quyết vụ việc dân sự, thì ngoài việc phải thực hiện đúng quy định
tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS về thẩm quyền của các cấp Tòa án,
cần phân biệt như sau:
a) Đối với trường hợp mà Điều 36 của
BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có
điều kiện, thì Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra.
Ví dụ: Điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy
định: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có
thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị
đơn có tài sản giải quyết”. Như vậy, chỉ trong trường hợp không biết nơi cư
trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu Tòa án nơi
bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải
quyết.
b) Đối với trường hợp mà Điều 36 của
BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không
cần bất cứ điều kiện nào, thì Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
Ví dụ: Điểm d khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy
định: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có
thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc
gây thiệt hại giải quyết”. Như vậy, trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn
Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự không đòi hỏi phải có bất kỳ điều kiện nào,
nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc
nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.
2. Trong trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được
quyền lựa chọn nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự (ví dụ: Tòa
án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS), thì khi nhận đơn khởi
kiện, đơn yêu cầu, Tòa án phải giải thích cho họ biết là chỉ có một Tòa án
trong các Tòa án được Điều luật quy định mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc
dân sự để họ lựa chọn. Cho nên người khởi kiện, người yêu cầu phải cam kết
trong đơn khởi kiện hoặc trong đơn yêu cầu là không khởi kiện hoặc không yêu
cầu tại các Tòa án khác.
Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp
đơn khởi kiện, nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được Điều luật quy
định, thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ
việc dân sự. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản
1 Điều 168 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nếu đã thụ lý
thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 và điểm i khoản 1 Điều 192 của
BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, xoá tên vụ việc
dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu,
chứng cứ kèm theo cho đương sự.
Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án
căn cứ vào khoản 3 Điều 193 của BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí
cho người đã nộp.
Thẩm quyền của Tòa án trong giải
quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài: Căn cứ
theo Công văn 89/TANDTC-PC 2020
5. Sau khi ly hôn, cha, mẹ sống tại nước ngoài. Nay,
họ có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn,
con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì có thuộc thẩm quyền của Tòa án Việt
Nam hay không?
Điểm đ khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân
sự về thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc
dân sự có yếu tố nước ngoài quy định: “Tòa án Việt Nam có thẩm quyền
giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau
đây:
…đ) Vụ việc về quan
hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối
tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực
hiện trên lãnh thổ Việt Nam;…”.
Người con đang sinh sống tại Việt Nam, nếu phát sinh
tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, tức
là tranh chấp về quan hệ trực tiếp nuôi con xẩy ra ở Việt Nam. Do vậy, cha, mẹ
có đơn khởi kiện tại Tòa án Việt Nam về việc thay đổi người trực tiếp
nuôi người con đang sinh sống tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có
thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 469 của Bộ luật
Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, Tòa án cần căn cứ quy định tại Điều
472 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét vụ án có thuộc trường hợp “Trả
lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu
tố nước ngoài trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận lựa chọn
Tòa án nước ngoài hoặc đã có Tòa án nước ngoài, Trọng tài hoặc cơ quan khác có
thẩm quyền của nước ngoài giải quyết hoặc đương sự được hưởng quyền miễn trừ tư
pháp” hay không?