Tống đạt văn bản của Cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự




If you need advice? Do not hesitate to contact customer service hotline 0914445005 hoặc TƯ VẤN

    Tống đạt văn bản cho người đại diện.

    Công văn 232/TANDTC-PC ngày 26/10/2018: Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của một số Tòa án địa phương và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu về vướng mắc khi cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao quán triệt thực hiện một số nội dung sau đây:

    Thứ nhất, chủ động, thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng đúng các quy định, hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

    Thứ hai, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có ủy quyền hợp pháp cho cá nhân, pháp nhân khác đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì Tòa án thực hiện đúng theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, trường hợp này, Tòa án phải cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người đại diện của người được cấp, tống đạt, thông báo.

    Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao sau khi nhận được Công văn này cần thông báo cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình và Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để biết và thực hiện.

    Tống đạt văn bản nhưng đương sự từ chối nhận.

    Căn cứ theo Công văn 89/TANDTC-PC 2020

    9. Tòa án tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng lần 1 nhưng đương sự cố tình không nhận thì Tòa án có phải tiến hành niêm yết công khai theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự không?

    Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:“Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này”.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì Tòa án chỉ niêm yết công khai văn bản tố tụng khi không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng, không phụ thuộc vào việc cấp, tống đạt, thông báo lần thứ nhất hay những lần sau.

    Khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.” và khoản 2 Điều 178 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng hoặc vắng mặt thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 177 của Bộ luật này.”

    Như vậy, trường hợp Tòa án đã tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng mà đương sự từ chối nhận văn bản tống đạt thì người tống đạt lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177, Điều 178 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho đương sự được coi là tống đạt hợp lệ, Tòa án không phải niêm yết công khai.