1. Tạm ứng án phí khi chuyển từ ly hôn thuận
tình sang ly hôn đơn phương.
Theo Công văn
212/TANDTC-PC
5. Trường hợp hòa
giải đoàn tụ không thành, theo quy định khoản 5 Điều 397 của Bộ luật Tố tụng
dân sự, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận
tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, xóa sổ thụ lý giải
quyết việc dân sự và thụ lý vụ án ly hôn, chia tài sản chung vợ chồng thì tiền
tạm ứng án phí và lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp được giải quyết như thế
nào?
Khoản 5 Điều 397
của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và
các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi
dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về
công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ
lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không
phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực
hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”.
Khoản 5 Điều 25
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
quy định: “Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo
quy định tại khoản 5 Điều 397 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu
đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Căn cứ vào các
quy định nêu trên, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định tư cách tố tụng của
các đương sự, theo đó, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại
khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trường hợp đương
sự phải nộp tiền tạm ứng án phí thì được khấu trừ số tiền tạm ứng lệ phí giải
quyết việc dân sự đã nộp; nếu chưa đủ thì phải nộp phần còn thiếu; trường hợp
đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết
việc dân sự đã nộp sẽ được giải quyết khi Tòa án quyết định án phí.
2. Người được hưởng phần tài sản là công sức
gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất.
Công văn
89/TANDTC-PC 2020
10. Trong vụ án
chia tài sản chung, chia di sản thừa kế thì người được hưởng phần tài sản là
công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất có phải chịu án phí không?
Người có công sức
gìn giữ tôn tạo đối với quyền sử dụng đất là di sản thừa kế hoặc là tài sản
chung có thể là người thừa kế (theo di chúc, theo pháp luật, người được chia
tài sản chung) hoặc người ngoài diện được hưởng thừa kế, người ngoài diện được
chia tài sản chung, họ có yêu cầu độc lập đề nghị được hưởng công sức gìn giữ
tôn tạo quyền sử dụng đất mà nguyên đơn, bị đơn đang tranh chấp yêu cầu chia thừa
kế, chia tài sản chung.
Khoản 7 Điều 27 của
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định:
“7. Đối với vụ án
liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự
sơ thẩm được xác định như sau:
a) Khi các bên
đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần
tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản
thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài
sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm
theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong
khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn
yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án
phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp, Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế
mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án
phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;
b) Trường hợp
đương sự đề nghị chia tài sản chung, chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực
hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ tài sản chung, di sản thừa kế đó
thì:
Đương sự phải chịu
án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị
tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án
phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết
định của Tòa án.
Người thứ ba là
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu
nhưng yêu cầu đó được Tòa án chấp nhận thì không phải chịu án phí đối với phần
tài sản được nhận.
Người thứ ba có
yêu cầu độc lập nhưng yêu cầu đó không được Tòa án chấp nhận phải chịu án phí
dân sự có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.”
Căn cứ quy định
nêu trên thì tùy từng trường hợp, việc xác định nghĩa vụ chịu án phí của người
được hưởng phần tài sản là công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất được xác
định như sau:
- Trường hợp người
yêu cầu được hưởng công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất là người thuộc diện
thừa kế theo pháp luật, thừa kế theo di chúc, hoặc thuộc diện được chia tài sản
chung thì xác định án phí như sau:
+ Nếu yêu cầu được
chấp nhận, người đó được hưởng phần công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất
cùng với việc được chia di sản hoặc chia tài sản chung thì phải chịu án phí dân
sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng
trong khối di sản thừa kế hoặc trong khối tài sản chung;
+ Nếu yêu cầu
không được chấp nhận, Tòa án bác yêu cầu hưởng phần công sức gìn giữ tôn tạo
quyền sử dụng đất cùng với việc được chia di sản hoặc chia tài sản chung thì
không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu hưởng công sức.
- Trường hợp người
yêu cầu được hưởng công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất không phải là người
thuộc diện thừa kế theo pháp luật, thừa kế theo di chúc hoặc không thuộc diện
được chia tài sản chung (gọi là người thứ ba) thì xác định án phí như sau:
+ Nếu yêu cầu của
người thứ ba được chấp nhận, Tòa tuyên cho người thứ ba được hưởng phần công sức
gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất trong vụ án chia thừa kế hoặc chia tài sản
chung thì người thứ ba không phải chịu án phí; những người được thừa kế theo
pháp luật, theo di chúc hoặc được chia tài sản chung phải chịu án phí sơ thẩm
theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà người thứ ba được hưởng trong khối
di sản thừa kế hoặc trong khối tài sản chung.
+ Nếu yêu cầu của
người thứ ba không được chấp nhận thì người thứ ba phải chịu án phí dân sự sơ
thẩm đối với yêu cầu hưởng phần công sức gìn giữ tôn tạo quyền sử dụng đất
trong vụ án chia thừa kế hoặc chia tài sản chung bị Tòa án bác.
3. Xác định cha mẹ cho con.
Căn cứ theo Công
văn 89/TANDTC-PC 2020
11. Theo quy định
của Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH thì tranh chấp
xác định cha, mẹ cho con là tranh chấp về hôn nhân và gia đình, vậy khi giải
quyết thì nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí?
Tranh chấp về xác
định cha, mẹ cho con là thuộc trường hợp tranh chấp quy định tại khoản 4 Điều
28 của Bộ luật Tố tụng dân sự cho nên đây là loại án hôn nhân và gia đình; tuy
nhiên Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH không quy định cụ thể về án
phí đối với loại tranh chấp này cho nên phải áp dụng khoản 1 Điều 147 của Bộ luật
Tố tụng dân sự. Tòa án căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 26 của Nghị
quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của
họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu
án phí sơ thẩm...Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần
yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm
tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.”
để tính án phí, trừ trường hợp quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 của Nghị
quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH.
Trường hợp xin
xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành
vi dân sự thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH.
4. Không làm đơn đề nghị miễn án phí.
Căn cứ theo Công
văn 89/TANDTC-PC 2020
12. Người cao tuổi
không có đơn, không có đề nghị miễn tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án (vì
không hiểu biết, không được giải thích). Tòa án vẫn buộc phải chịu án phí
(không cho miễn) có được xác định là vi phạm hay không?
Theo quy định tại
điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH thì người cao tuổi
được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa
án.
Tuy nhiên, khoản
1 Điều 14 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH quy định: “Người đề nghị được miễn,
giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường
hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải có đơn đề nghị nộp
cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường
hợp được miễn, giảm”.
Do đó, nếu đương
sự không có đơn đề nghị thì việc Tòa án quyết định đương sự phải chịu án phí là
không vi phạm.