Xác định tuổi của người gây thiệt hại trong
Bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng
Điều 4 Nghị quyết
02/2022/NQ-HĐTP
Điều 4. Xác định
tuổi của người gây thiệt hại theo quy định tại Điều 586 của Bộ luật Dân sự
Tuổi của người
gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định
được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được
xác định như sau:
1. Trường hợp xác
định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng
đó làm ngày sinh;
2. Trường hợp xác
định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của
tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;
3. Trường hợp xác
định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối
cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;
4. Trường hợp xác
định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của
tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;
5. Trường hợp
không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Trường hợp kết quả
giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa
án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của
họ.
Ví dụ: Kết luận
giám định M có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì
xác định tuổi của M là 13 tuổi 6 tháng.
Thời hiệu yêu cầu Bồi thường thiệt hại
ngoài Hợp đồng
Điều 5 Nghị quyết
02/2022/NQ-HĐTP
Điều 5. Về thời
hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 588 của Bộ luật
Dân sự
1. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có
hiệu lực) và đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi
kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu
cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Thời điểm người có quyền yêu cầu biết
quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể
khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Ví dụ: Ngày 02
tháng 7 năm 2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ
nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về
môi trường tiến hành giám định nguyên nhân. Ngày 15 tháng 8 năm 2022, A nhận được
kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ
nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm
là ngày 15 tháng 8 năm 2022.
3. Trường hợp người có quyền yêu cầu phải
biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh
bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp
của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết.
Ví dụ 1: Ngày 20
tháng 6 năm 2022, A gây thương tích cho B và cùng ngày B phải vào nhập viện điều
trị thương tích. Trường hợp này, thời điểm B phải biết quyền và lợi ích của
mình bị xâm phạm là ngày 20 tháng 6 năm 2022.
Ví dụ 2: A giao
cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong thời hạn
của hợp đồng, xe ô tô bị C phá hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không
có mặt tại nơi xảy ra thiệt hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra.
Thời điểm B phải biết là thời điểm C gây thiệt hại.