Căn cứ theo Điều 4 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP
Điều 4. Về vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy
định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Vụ án không thuộc thẩm
quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì
các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động
thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền khác giải quyết.
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm
2013 thì tranh chấp đất đai mà đối với thửa đất đó cơ quan, tổ chức, cá
nhân không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các
loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 có quyền lựa
chọn Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng
dân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3
Điều 203 Luật đất đai năm 2013 để giải quyết tranh chấp. Trường hợp
cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban
nhân dân cấp có thẩm quyền và cơ quan đó đang giải quyết tranh chấp thì vụ án
không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật tố
tụng dân sự.
Thẩm quyền của TA trong trường hợp yêu cầu BTTH
ngoài hợp đồng do người chức vụ, quyền hạn gây ra.
Theo Công văn
212/TANDTC-PC
4. Người bị xâm phạm về danh dự, uy tín do hành vi của
Chủ tịch UBND huyện gây ra khi thi hành công vụ khởi kiện yêu cầu Chủ tịch UBND
huyện bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, uy tín của người đó bị xâm phạm
thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết không?
Điều 598 của Bộ luật Dân sự quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo
quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước thì người bị xâm phạm có quyền lựa chọn phương thức yêu cầu bồi
thường là: (1) Yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây
thiệt hại bồi thường hoặc (2) khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52
của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trong thời hạn 3 năm kể từ
ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường
có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong các
trường hợp sau đây: (1) Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp
quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường; (2)
Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết
bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường đã ra
quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường.
Như vậy, nếu người bị xâm phạm
khởi kiện trong thời hạn quy định và thuộc hai trường hợp nêu trên thì Tòa án
phải thụ lý và căn cứ vào các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước để giải quyết.